top of page
Ảnh của tác giảDr. Huynh Wynn Tran

Chuyện ICU - Khi thiên thần nhiễm bệnh


Vợ chồng là duyên số


“Nếu tôi có điều chi, bác sĩ cứ để vợ mới cưới của tôi quyết định...”.

Ông thều thào vài câu trước khi thuốc mê bắt đầu hiệu nghiệm. Khi bệnh nhân dần chìm vào hôn mê, bác sĩ cấp cứu nhanh chóng đặt ống nội khí quản. Ông bị sốc nhiễm trùng máu do nhiễm trùng đường tiểu cấp, bí bọng đái và nhập viện trực tiếp từ phòng khám.


Bên ngoài, một bà lão độ trên dưới bảy mươi tuổi đang chống gậy nhướn mắt nhìn vào phòng cấp cứu hồi sức trước khi tấm màn trắng đục được kéo lại. Cô y tá dìu bà vào phòng đợi. Bệnh nhân được chuyển lên phòng ICU. Buổi sáng tỉnh dậy, ông chợt thấy lòng bàn tay của mình âm ấm. Bà đang ngồi đó, nắm tay ông, mắt đỏ hoe.


Ngày ấy, nàng là thực tập sinh tại Học viện Hải quân. Với vóc dáng thanh cao, cánh môi mỏng cùng làn mi cong trong bộ váy màu xanh lục, chàng sĩ quan trung uý hải quân đã bị hớp hồn ngay từ lần đầu gặp mặt. Chàng tuy cao ráo nhưng dáng gầy, nước da hơi ngăm đen do xuất thân từ miền biển Phan Thiết. Xung quanh nàng lúc ấy có biết bao chàng sĩ quan đẹp trai, phong độ nên chàng chẳng hy vọng nàng sẽ để mắt đến mình. Ấy vậy mà nàng đồng ý làm quen. Chàng như nhảy cẫng lên mây vì hạnh phúc. Chẳng may, cuộc tình sớm gặp khó khăn do chiến tranh liên miên. Nàng lúc này đã trở thành sĩ quan nên việc gặp gỡ giữa hai bên lại càng khó khăn. Tuy vậy, cả hai vẫn dự định sẽ làm đám cưới.


Mùa hè đỏ lửa năm 1972 tưởng như đã chia lìa đôi lứa khi suýt chút nữa tước mất mạng sống của chàng. Ngày tháng sau đó là khoảng thời gian yên bình hai người tận hưởng bên nhau. Duy chỉ có một điều là, đám cưới đã không xảy ra.


Chuyện là một hôm, nàng gặp lại người yêu cũ, từng là phi công và về hơi trễ. Nàng giấu nhẹm chuyện này và bảo rằng đi gặp cô bạn học. Chẳng may, chàng có bạn làm bên không quân nên biết được. Chàng giận lắm. Nàng càng chối thì chàng càng bực. Hôm sau, nàng định đến gặp chàng để nhận lỗi làm lành thì nhận lệnh hành quân gấp.


Biến cố năm 1975 khiến cả hai mất liên lạc do đều phải vào trại cải tạo. Mãn hạn tù, đến năm 1981, chàng vay mượn khắp nơi được hai cây vàng để lên tàu vượt biên. Nửa đêm, chiếc tàu gỗ đánh cá nhỏ xíu bật chớp đèn pin ba lần làm tín hiệu từ từ tấp vào mé sông ven rừng đước. Nước đang ròng nên mọi người phải lội sình bì bõm ra tàu. Chủ tàu đếm thấy hơn tám mươi người trong khi đăng ký đi chỉ có khoảng năm mươi. Sợ tàu chìm, ông đe nạt bắt mọi người phải bỏ bớt quần áo, hành lý mới được lên. Chiếc tàu nổ máy ọc ạch chạy ra hướng biển trong màn đêm đen đặc. Chàng ngồi thu lu nép mình vào một góc, sương lạnh thấm ướt vai áo. Mùi biển dần xông vào mũi chàng. Chợt có tiếng la thất thanh:


“Biên phòng, biên phòng”.

“Chết mồ, gặp tụi biên phòng rồi”, ai đó trên tàu la lớn.


Ánh đèn pha sáng quắc từ chiếc tàu sắt phía xa rọi thẳng vào tàu cá đầy khẳm như muốn chìm nghỉm của chàng. Trong ánh đèn pha chiếu sáng, bất chợt chàng nhìn xuống phía sàn tàu thì nhận ra một bóng dáng quen thuộc. Tưởng mình lầm, chàng phải dụi mắt mấy lần để nhìn cho rõ. Chính là nàng. Vẫn cái dáng cao gầy, đôi mắt xếch một mí đầy kiêu hãnh. Nàng đang ngồi co ro giữa đám đàn bà và trẻ em lúc nhúc.


Thế là kế hoạch vượt biên phá sản. Chiếc tàu cá bị buộc quay lại bờ. Thoắt một cái, chàng liền nhảy xuống dưới sàn tàu, nắm lấy tay nàng. “Em, anh đây, mình chạy trốn nhé”. “Trời ơi. Anh… anh... hả?”. Nàng bật khóc vì không thể tin vào mắt mình. Ánh đèn pha thi thoảng loé lên trong màn đêm đen đặc xen lẫn tiếng còi công an, tiếng máy tàu xình xịch chậm lại, tiếng người nói xôn xao, ầm ĩ xung quanh, nhưng nàng vẫn nghe tiếng chàng rất rõ.


“Em nhảy xuống sông với anh, trời tối họ không bắt mình đâu”.


Nắm lấy tay chàng, nàng định bước ra phía sau lan can để cùng chàng đào tẩu, nhưng đột nhiên, nàng thấy đầu óc choáng váng rồi ngất xỉu trên tàu vì mất sức. Khi vào bờ, công an biên phòng chia đám người vượt biên thành hai nhóm nam và nữ. Sau khi hỏi cung, họ đưa từng nhóm lên một tàu khác chở về đất liền. Thế là chàng lại mất dấu nàng.


Hai năm sau, chàng lại tìm đường ra nước ngoài. Và lần này thì thành công, chàng được tị nạn tại Hoa Kỳ. Chàng học lại ngành kỹ sư, lập gia đình. Nàng cũng đã qua Úc, tiếp tục học và trở thành sĩ quan hải quân Hoàng gia Úc. Gần bốn mươi năm sau, qua Facebook, nàng vô tình kết nối với em gái chàng mới biết rằng chàng đang sống tại Mỹ. Vợ chàng mất cách đây hai năm. Nàng cũng ly dị anh chồng người Úc được mười năm. Nghe tin chàng bị bệnh, nàng xin nghỉ phép sang Mỹ để thăm người tình năm xưa. Gặp lại nàng, chàng bồi hồi cảm động. Sau bao nhiêu năm, chàng vẫn nhìn nàng say đắm như thuở ban đầu, vẫn muốn được chìm đắm vào đôi mắt xênh xếch nay đã hằn nhiều dấu chân chim. Trên giường bệnh, khi nghe nàng kể về cuộc sống nơi xứ sở chuột túi, về những ngày đầu vất vả mưu sinh, chàng cảm động đến rơi nước mắt. Trước khi nàng về lại Úc, chàng run run nắm lấy tay nàng nói:


“Mình trốn lần nữa nghen em”.


Cuối năm ngoái, nàng chính thức ở lại Mỹ sau khi kết hôn với chàng, nay đã bước vào tuổi bảy mươi tư. Bệnh nhân nằm ICU thêm ba ngày. Chỉ số huyết áp ổn định trở lại, căn bệnh nhiễm trùng máu cũng thuyên giảm và đã có thể tự đi vệ sinh được thay vì phải dùng ống thông tiểu.


“Bác sĩ biết không, chồng tôi thấy mạnh mẽ vậy chứ là người mặt mũi, hay sợ quê lắm. Mấy hôm trước không đi tiểu được mà không dám nói, sợ quê với tôi”.


Bên giường, bà lão chậm rãi kể chuyện mấy hôm trước khi ông nhập viện.


“Ổng bị đau bụng và căng tiểu lắm mà cũng ráng chịu đựng, không hó hé gì, đến khi tôi thấy mặt ổng sao mà nhăn nhó quá, mới bắt ổng lên xe đến khám bác sĩ”.


Đột nhiên, bà lão thút thít khóc.


“Ổng có sao không bác sĩ? Bệnh ổng có nặng thêm nữa không, tôi lo quá? Tôi với ổng hơn nửa đời người mới gặp lại nhau”.


“Dạ thưa bác, con nghĩ bác trai sẽ ổn thôi. Tụi con có mời bác sĩ chuyên khoa tiết niệu chẩn đoán và biết là tuyến tiền liệt của bác bị phì đại nên ép lên đường tiểu, dẫn đến bí tiểu. Sau khi ra viện, bác trai cần tiếp tục theo dõi chỗ bác sĩ chuyên khoa tiết niệu và có thể phải phẫu thuật để làm nhỏ lại tuyến tiền liệt. Bác yên tâm nhé”.


Buổi chiều, ông đã ăn uống lại được, bước ra khỏi giường và không cần dùng oxy để trợ thở nữa. Trước khi ra khỏi ICU, vẫn đôi bàn tay nắm chặt, ông nhìn vào mắt bà, rồi quay sang ân cần nói với tôi: “Vợ chồng là duyên số cả đó bác sĩ”. “Phải vậy không em?”.


Cửa ICU mở rộng, bà từ từ đẩy ông đang ngồi trên xe lăn ra khỏi cửa, tiến vào khu điều trị nội trú. Tôi nhìn theo đôi “vợ chồng son” ở tuổi thất thập dần mất hút phía hành lang và mỉm cười thầm bảo “Vợ chồng là duyên số!”.


1.170 lượt xem1 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

1 comentario


hangthudaumotbd
21 abr 2023

Rất hay cám dỗ Bác sỉ ❤️❤️❤️

Me gusta
bottom of page